Trẻ em trong gia đình đa văn hóa Việt – Hàn

Đề tài “Trẻ em trong gia đình đa văn hóa Việt – Hàn và những vấn đề có liên quan” là một đề tài rất rộng, cần có sự nghiên cứu chuyên sâu và nhiều tài liệu cụ thể, đáng tin cậy. Nên bài viết này chỉ xin bàn đến một vấn đề hay nói đúng hơn là hiện trạng khá nổi bật trong xã hội Hàn Quốc hiện nay mà chính phú Hàn Quốc đang phải đối mặt – đời sống của Trẻ em trong gia đình đa văn hóa Việt – Hàn hiện đang sinh sống trên đất nước Hàn Quốc. Mọi số liệu hay thống kê trong bài viết được thu thập cách cá nhân nên chỉ mang tính chính xác tương đối, đủ để cho người đọc một cái nhìn sơ lược về thực trạng có liên quan.

Theo sơ đồ thống kê bên trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng việc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam và nam giới Hàn Quốc được bắt đầu khoảng hơn 15-16 năm về trước, cũng có thể là 20 năm không chừng. Không kể đến những trường hợp kết hôn trong gia đoạn binh lính Hàn Quốc sang đánh thuê và lập gia đình với phụ nữ Việt vào những năm 1950-1960.

Trẻ em trong gia đình đa văn hóa Việt - Hàn
Trẻ em trong gia đình đa văn hóa Việt – Hàn

Đồ thị cho chúng ta thấy tình trạng kết hôn giữa phụ nữ Việt và nam giới Hàn bắt đầu tăng cao từ năm 2003-2004 mà đỉnh điểm là vào các năm 2005-2007. Tuy có giảm đi sau đó nhưng đến năm 2010 thì số lượng kết hôn lại tăng cao đột ngột trở lại, gần như chạm mốc kỷ lục ban đầu vào năm 2006.

Có một tình trạng dễ thấy trong gia đình kết hôn Việt- Hàn là trẻ em được sinh ra rất sớm, có thể 6 tháng hoặc 1 năm kể từ sau ngày kết hôn. Dưới áp lực công việc căng thẳng cùng với sự gia tăng chi phí sinh hoạt không ngừng từ sau cuộc cải cách kinh tế-xã hội Hàn Quốc dẫn đến mức sống trung bình của người dân Hàn Quốc tăng lên đáng kể nhưng bên cạnh đó mức độ tích lũy hay nói nôm na là “của để dành” của tầng lớp bình dân là những người vốn không có nhiều tài sản hay xuất thân danh gia vọng tộc mà chủ yếu là lấy sức lao động sẵn có làm công ăn lương sinh sống qua ngày dần ít đi. Số tiền dôi dư ra sau khi chi trả các chi phí sinh hoạt cơ bản cho bản thân và phụ giúp một ít cho cha mẹ già hầu như không còn hay đôi khi là không có từ đồng lương vừa đủ sống đã đẩy một số lượng lớn đàn ông Hàn Quốc rơi vào tình trạng độc thân lâu năm, khó kết hôn vì không có khả năng lo liệu cho một gia đình theo đúng kiểu Hàn.

Sau nhiều năm độc thân, nhu cầu hạnh phúc với một gia đình có vợ con sum vầy dần tăng lên và những người đàn ông này tìm đến những thương vụ mai mối hôn nhân với những phụ nữ đến từ những quốc gia có nền kinh tế thấp kém hơn Hàn Quốc. Mà tiêu biểu là các nước đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Cambodia, Thái Lan, Myanmar, v.v.. Tuy nhiên xét về mặt văn hóa và tư tưởng truyền thống thì Việt Nam là quốc gia có mức độ tương đồng cao nhất trong các nước kể trên bởi Việt Nam từng chịu sự thống trị của Trung Quốc trong hơn 1000 năm. Tư tưởng Nho giáo & Khổng giáo ăn sâu, bám rễ trong đời sống người dân bản địa Hàn lẫn Việt nên thói quen sinh hoạt, quan niệm về gia đình-đất nước-con người có nhiều phần giống nhau nên tỷ lệ kết hôn Việt-Hàn ngày một tăng cao như đã nói trên.

Trẻ em trong gia đình đa văn hóa Việt - Hàn
Trẻ em trong gia đình đa văn hóa Việt – Hàn

Xét theo độ tuổi và tỷ trọng thì trẻ em trong gia đình đa văn hóa Việt-Hàn đang chiếm tỷ lệ cao nhất so với gia đình đa văn hóa với các quốc gia khác mà độ tuổi phổ biến nhất là khoảng 0-8 tuổi. Đây là một hệ quả tất nhiên trong quá trình kết hôn gia tăng đột biến vào khoảng năm 2005-2011. Trẻ em ở độ tuổi này đa số là các em học sinh ở bậc tiểu học hiện đang sinh sống cùng với bố mẹ tại Hàn Quốc.

Các em có thể nghe hiểu cả hai thứ tiếng Hàn và Việt nhưng do cơ hội tiếp xúc và sử dụng tiếng Hàn nhiều hơn nên khả năng nghe-nói-đọc-hiểu tiếng Việt có phần hạn chế. Tùy theo khả năng và mức độ giáo dục của người mẹ mà khả năng nói tiếng Việt của trẻ em ở mỗi gia đình cũng khác nhau. Nếu người mẹ có nhiều thời gian bên cạnh con cái, có trình độ học vấn khá cao và nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục-truyền đạt văn hóa dân tộc thì con cái trong những gia đình này sẽ nghe-hiểu tiếng Việt được tốt hơn những trẻ em ở các gia đình khác.
Tuy nhiên, với tính tự tôn có sẵn trong nhận thức và tư tưởng của người Hàn, những trẻ em lai (một cách gọi khác cho những trẻ em có ba mẹ đến từ hai dân tộc khác nhau) thường bị xem là phi thuần chủng. Các trẻ em trong gia đình đa văn hóa Việt-Hàn cũng không ngoại lệ. Mặc dù không có thống kê hay nghiên cứu cụ thể nào về trường hợp phân biệt hay kỳ thị chủng tộc giữa trẻ em thuần Hàn và lai Hàn nhưng trên thực tế điều này vẫn đang âm thầm diễn ra. Có thể chưa có tai nạn hay sự kiện xấu nổi bật nào nhưng không có nghĩa trẻ em lai Hàn chưa từng bị đối xử phân biệt.
Lý do bị phân biệt rất dễ hiểu – đó là các em chưa hẳn hiểu được hết hoàn toàn tiếng Hàn là thứ ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày trong gia đình hoặc nơi trường học. Mặc dù được sinh ra và lớn lên tại Hàn nhưng do có ba hoặc mẹ là người nước ngoài nên việc thông hiểu tiếng Hàn của các em có phần nào bị hạn chế hơn so với trẻ em thuần Hàn. Đồng thời cách thức sinh hoạt của các em cũng khá khác. Có những trường hợp các em không thể giao tiếp thông suốt 100% với ba hoặc mẹ và dẫn đến tình trạng “ù lì, im lặng hoặc mặc cảm” từ bé.
Các em đa số thường thụ động và e dè hơn những trẻ em khác. Đặc biệt khi được yêu cầu giới thiệu về bản thân như tên tuổi, gia đình. Dường như có điều gì đó như sự mặc cảm hoặc tự ti ở các em khi nói đến hoàn cảnh xuất thân của mình. Và các em cũng khó kết thân với các bạn thuần Hàn bởi những hạn chế về mặt ngôn ngữ hay nét tương đồng từ xuất thân đến cách sinh hoạt. Điều này dễ làm cho các em trở nên tự kỷ hay kềm chế sự phát triển tự nhiên vốn có của trẻ.
Ngược lại, trẻ em trong các gia đình này có tính tự lập rất cao. Bố mẹ đều phải đi làm để đủ lo chi phí trong gia đình nên các em hầu như phải lớn lên bên cạnh ông bà nội (nếu có) hoặc được gửi ở nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường học từ sáng đến tối. Mọi việc học tập đều do các em tự lo liệu hoặc tự thông báo với bố mẹ. Thay vì là đối tượng được quan tâm, chăm sóc đặc biệt như bao trẻ em khác thì trẻ em trong gia đình đa văn hóa phải kiêm thêm vai trò cầu nối giữa gia đình và nhà trường. Hay là người thông dịch trung gian cho bố hoặc mẹ bởi vì sẽ có một trong hai người không thể nhìn nhận, hiểu rõ hoặc đánh giá đúng một sự việc nào đó do sự hạn chế về ngôn ngữ trong khả năng giao tiếp.
Trẻ em trong các gia đình này sẽ lớn lên với những đặc điểm khác biệt từ bé dẫn đến tính cách, cách suy nghĩ của các em chắc chắn sẽ khác. Điều này mang tính trừu tượng, khó thấy, khó nhận biết, khó định hình và khó đo lường mức độ nghiêm trọng. Nó cũng không thể hiện rõ trong một thời điểm nhất định nào đó mà sẽ dàn trải trong một khoảng thời gian rất dài hay có khi là cả một đời người.
Các em chính là thế hệ tương lai của Hàn Quốc nói chung và Việt Nam hay thế giới nói riêng. Hãy thử hình dung xem các em sẽ trở thành những người như thế nào trong tương lai. Các em sẽ mang những nổi đau, tổn thương, mặc cảm hay những vết sẹo tinh thần nào làm hành trang đi cùng các em tiến vào ngày mai. Điều này chúng ta có thể hình dung hay mường tượng được phần nào. Vậy phải làm sao để các em sẽ có những ngày tháng tuổi thơ hạnh phúc và bình thường như vốn phải có? Làm sao để các em lớn lên trở thành những con người thật bình thường với những hoài bão và ước mơ cao đẹp? Phải làm sao để trong tương lai, những trẻ em này sẽ không ôm trong mình những nổi đau, những vết cứa, những sự lệch lạc trong nhận thức và nhân cách?
Câu trả lời không hề đơn giản. Và câu trả lời cũng không phải thuộc về chỉ ba mẹ các em mà còn thuộc về cả chúng ta – những “người lớn” đang sống cùng, sống cạnh và sống trong cùng một xã hội với các em với đầy đủ khả năng nhận thức, khả năng thực hiện bất kỳ điều gì chúng ta cho là đúng và đáng phải làm.
Tôi để lại câu trả lời và phương thức hành động dành cho bạn. Còn tôi, tôi vẫn tiếp tục nắm tay các em, cùng xếp những thanh gỗ nhỏ nhắn nhưng ngay ngắn, gọn ghẽ xây lên những lâu đài ước mơ đẹp đẽ, ấm áp tình người như một trò chơi chúng tôi đã cùng chơi, cùng cười và cùng hạnh phúc như trong ảnh.

Comments

comments